Lễ hội chăn cừu tại Nga là một lễ hội truyền thống, thường diễn ra vào mùa xuân. Sau những ngày mùa đông, tuyết bắt đầu tan, cây cỏ, thảo nguyên bừng thức. Những con cừu bị nhốt trong chuồng, ăn cỏ khô suốt mùa đông, giờ đây được đưa lên các thảo nguyên, hít thở khí trời trong lành, ăn cỏ non. Những người chăn cừu phải tạm biệt gia đình đi theo, chăm sóc, quản lý đàn cừu. Do vậy, người ta tổ chức ngày hội chăn cừu để tiễn những người chăn cừu lên núi.
Nhân khẩu và Ngôn ngữ ở NgaDu Lich Nga: Lễ Hội Chăn Cừu
Lễ hội mở đầu bằng tiếng kèn hiệu trembita là loại kèn gỗ lớn. Đường làng đầy người lớn, trẻ con. Người chăn cừu ăn mặc quần áo dân tộc sặc sỡ nhiều màu sắc, đầu đội mũ chóp nhọn cài những chiếc lông gà trống, quần trắng hoặc đỏ, ống phồng như quả bóng, áo gi-lê bằng da cừu khâu bằng sợi dây màu, thắt lưng rộng bản, vai đeo chiếc túi da đi đường xuất hiện trong tiếng kèn, tiếng đàn vĩ cầm và các nhạc cụ dân tộc hoà thành những âm điệu hài hoà.
Theo sau họ là những chiếc xe ngựa chở đồ trang trí bằng những tấm thảm thêu. Một số nghệ nhân địa phương đứng trên thùng xe biểu diễn những tiết mục hài, vui nhộn, hoặc tái hiện những cảnh tượng sinh động phản ánh sinh hoạt của người chăn cừu như vắt sữa, nấu pho-mát từ sữa cừu.
Những người thợ thủ công cũng tham gia diễu hành với những khung cửi, những tấm vải dệt có hoa văn miêu tả đời sống của dân chăn cừu. Ở một bãi cỏ gần nhất trên sườn núi, người ta đã chuẩn bị sẵn một đống củi lớn để đốt. Người chăn cừu nhiều tuổi nhất nhóm lửa dùng roi chăn cừu dài, vung lên vài lần, đập vào đống lửa. Đó là hiệu lệnh cho các nghệ sĩ nhân dân lên sân khấu bắt đầu buổi biểu diễn.
Người ta nhảy các điệu nhảy dân tộc, điệu nhảy rồng rắn, mời nhau nếm pho-mát cừu thơm, tươi nhất, uống rượu sữa cừu, ăn bánh ngọt. Sau đêm hội là những ngày làm việc bình thường của người chăn cừu.