Được mệnh danh là “cửa ngõ vào châu Âu”, St Petersburg là thành phố lớn thứ 2 ở Nga và là điểm đến hấp dẫn bất cứ du khách nào khi đặt chân tới du lịch Nga. Nơi đây hội tụ đủ vẻ đẹp của thiên nhiên, của cảnh quan và những trải nghiệm tuyệt vời dành cho mỗi vị khách từ phương xa tới. Cùng theo chân đoàn du khách Việt Nam trong hành trình Volga Cruise từ Moskva, trải qua nhiều điểm dừng chân và đến với chặng cuối kết thúc hành trình tại thành phố St Petersburg xinh đẹp nhé.
Saint Petersburg – Thành phố của những cung điện" Chặng cuối tour – Thành phố St Petersburg (Petrograd, Leningrad).
Sáng mai 16/9 chúng tôi sẽ đến Cố đô của Liên bang Nga, một thành phố gồm hơn 40 hòn đảo nằm trên châu thổ Sông Neva được nối liền với nhau bởi trên 800 cây cầu lớn nhỏ, trong đó có 13 cây cầu mở để các loại tàu to qua lại. Cứ 1h đêm đến 5h sáng những cây cầu sẽ mở lên. Các loại tàu lớn, như tàu Victoria của chúng tôi, cũng chỉ qua được vào những lúc đó. Chỉ vì những cây cầu như thế mà nhiều cặp bạn trẻ đã bị “bác sĩ bảo cưới” vì không về nhà kịp trước khi cầu mở.
Chúng tôi cùng con tàu của mình chỉ có thể cập bến ở St Petersburg trong đêm hoặc đầu giờ sáng mà thôi. Và khoảng 6h20 sáng 16/9, khi bình minh đang lên, tàu chúng tôi đã neo lại bên một con đường phố lớn, sớm hơn dự kiến 1 tiếng rưỡi. 7h ăn sáng khá nhanh để 8h30 đã lên xe bus đợi sẵn dưới bến để vào thành phố tham quan Cung điện Mùa Đông (Bảo tàng Ermitazh), một điểm đến không thể bỏ qua ở đây.
Đến 9h40 Bảo tàng mới mở, còn 20 phút nữa, chúng tôi dừng lại ở Quảng trường trước Cung điện Mùa Đông để chụp ảnh. Bạn Tô Tâm bắt đầu đau chân nặng mà quãng đường đi bộ khá xa. Chúng tôi mượn ở tàu chiếc xe lăn vì bạn rất muốn đến được đây. Quá đông du khách xếp hàng vào thăm Bảo tàng. Kiểm sát an ninh khá chặt chẽ. Sao lắm người TQ đến vậy. Họ ồn ào, chen lấn, thật khó chịu. Chắc người Nga cũng đã nắm rõ nên đoàn tàu của chúng tôi không có người TQ, chỉ có người Đài Loan.
Quả là Cung điện thật hoành tráng, sang trọng và quá đẹp. Chỉ có điều, muốn thấy hết được giá trị của nó thì cần phải hiểu biết lịch sử Đế chế Nga. Tên các nhân vật thì dài, hết đệ nhị đến đệ tam,… khó nhớ quá. Trước đây, có ai hỏi : bố của Luiz 16 là ai thì cứ trả lời bừa là Luiz 15; bố của Napoleone đệ tam là ai thì là Napoleone đệ nhị, chắc cũng 50-50. Bây giờ thì nghe kể về Pi-e (Pyotr) Đại đế và việc vì sao Catherine lên làm Nữ hoàng thì không thể theo dõi được. Song, cái thấy được là nhờ Nữ hoàng Catherine đầy quyền lực, nước Nga được mở rộng, hùng mạnh. Bảo tàng Ermitazh đã cho ta thấy Catherine sống mạnh mẽ, xa hoa về mọi phương diện. Nghe nói bà còn có đội ngũ tình nhân trên 20 người, chắc là chưa kể các “đồng chí chưa bị lộ”. Thời của Nữ hoàng Catherine, chắc chắn là một thời hoàng kim, đáng tự hào và để lại nhiều di sản cho nước Nga.
Buổi chiều, chúng tôi tự chọn đi thăm Cung điện Mùa Hè Peterhof, ngoài tour và tất nhiên là phải tự bỏ kinh phí không hề nhỏ. Cung điện này cách trung tâm thành phố gần 40km, nên chúng tôi phải để ra 4 tiếng gồm 2 tiếng đi về và 2 tiếng thăm. Bên trong Cung rất đẹp và khuôn viên với nhiều đài phun nước cũng rất tráng lệ. Đây là nơi làm việc và nghỉ ngơi của các vua và nữ hoàng, khác với Cung điện Mùa Đông, chủ yếu để giải trí. Để phân biệt, còn một chi tiết nữa là bên ngoài Cung điện Mùa Đông được sơn màu xanh, còn Mùa Hè thì màu vàng. Vì có khoảng không rộng, từ trên Cung điện Mùa Hè nhìn xuống là một đài phun nước lớn và một con kênh nối dài ra Vịnh Phần Lan. Nhìn ngược lại từ con kênh lên, Cung điện là một lâu đài nguy nga, đúng như mong muốn của các đời vua Nga hoàng là phải hơn cả Lâu đài Vec-xây.
Dù có một tour tự chọn nữa là St Petersburg by night, nhưng rút kinh nghiệm ở Moskva, cánh già chúng tôi quyết định để giành một chút tiếc nuối, nhưng nhóm trẻ thì không thế. Và sau này xem những bức ảnh mà nhóm trẻ post lên thì tiếc thật.
Sớm 17/9, trời vẫn sáng, là ngày thứ 4 ở cái vùng mà một năm chỉ có 70 ngày nắng mà không bị mưa. Quá lãi. Chúng tôi dành buổi sáng này để đi thăm thành phố. 10 phút dừng ở Điện Smolny (Tổng hành dinh của Đảng Bolsevich Nga trong CMT10) cũng chụp được khá nhiều ảnh, nhưng có vẻ vẫn thòm thèm. Khi nghe nói nơi sắp đến là một cửa hàng lưu niệm lớn, có cà phê, trà miễn phí và “hát” cũng miễn phí, không mất 20 rúp, thì mọi người phấn chấn hẳn lên. Chương trình còn dài nên chỉ dành 20 phút cho điểm này, song vẫn vỡ kế hoạch.
Xuống xe ở gần Trung tâm TP gần Nhà thờ Chúa cứu thế nhưng chỉ đi qua, dọc sông về phía Đại lộ Nhepsky vào Thánh đường Kazan. Ở đây bên ngoài có tượng Nguyên soái Kutuzov và bên trong hơi tối, có mộ của ông và mọi người đang cầu kinh. Đoàn lại ra, đi dọc Đại lộ Nhepsky, qua Siêu thị lớn như GUM ở Moskva rồi vòng qua Tượng Puskin về chỗ đỗ xe ở trước cửa Bảo tàng Nga. Mỏi quá, nhưng cô Hương bảo nơi đến tiếp theo sẽ đẹp hơn. Lại cố.
Quả thật, Nhà thờ Chính toà Thánh ISSAC rất nhiều điểm đặc biệt từ ngoại thất đến nội thất, từ xây dựng đến công nghệ, từ nhà thiết kế đến các kỷ lục. Vốn là vùng đầm lầy, để xây lên nhà thờ lớn như thế này họ đã phải đóng 25 ngàn chiếc cọc, dựng 112 cột 114 tấn nguyên khối, đồng màu phải có một bộ khung vĩ đại, đúc và nâng vòm nhà có đường kính 26m là cả một công việc đồ sộ. 4 đầu hồi đông-tây-nam-bắc, bên trong các vách, trần là những bức phù điêu, tranh vẽ gắn với những câu chuyện trong Kinh Thánh. Nhà thiết kế là Auguste de Montferrand đã dành 40 năm cuối đời để hoàn thành công trình này vào năm 1858 và ông cũng mất năm đó.
Phải về ăn trưa để chiều còn đi thăm Cung điện Mùa Thu, nên đoàn vội quay trở lại Sông Neva, nơi con tàu Tuần dương Rạng Đông neo đậu để ghi lại dấu chân của đoàn ở thành phố đẹp vào bậc nhất Châu Âu này.
Mưa. Nếu đến đây không gặp mưa mới là lạ. Và buổi chiều hôm đó, chúng tôi đến Cung Ecaterina (Cung điện Mùa Thu – Ekaterina Palace) trong trời mưa. Bạn Tô Tâm cũng cố gắng tham gia. Mỗi khi phải chuyển xe lăn, tôi để ý, thấy anh bạn HDV người Nga đều giành để vác xe. Cậu ấy còn đấu tranh rất mạnh mẽ để tạo điều kiện cho bạn Tô Tâm được thuận tiện đi xe trong Cung. Thật trách nhiệm và đáng quý.
Bình minh cuối tour tôi cũng đã ghi lại và ngày cuối cùng ở đây trời lại đẹp, sau một đêm mưa dài như lưu luyến tiễn đoàn chúng tôi và nay trời lại chúc chúng tôi một chuyến trở về nhà may mắn. Còn một người cũng đã khóc cả đêm ấy, sáng hôm nay cố gắng tươi cười tiễn đoàn, ôm từng người và đến khi Diệu Lý nói : “Chúng tôi muốn gặp bạn ở Hà Nội” rồi mọi người lên ô-tô thì lại không cầm được nước mắt, vẫy mãi theo xe của đoàn. Đó là ai? Cả đoàn đều biết. Nhưng trong tờ hành trình ngày cuối phát cho cả đoàn, cô ấy đã để lại địa chỉ email của mình. Các bạn cùng chia sẻ nhé.
Với tôi, một chuyến đi nhớ mãi.”
Vậy là hành trình xuôi dòng Volga Cruise với những vị khách của VietSense Travel đã kết thúc tốt đẹp trong niềm tiếc nuối vì không thể khám phá hết được cảnh sắc của toàn bộ nước Nga. Hẹn gặp lại các thành viên của đoàn trong một ngày không xa để chúng ta lại khám phá những miền đất mới, những địa danh mới trong một mùa mới mọi người nhé.